Tìm việc nước ngoài

Bài viết này tổng hợp quá trình cũng như kinh nghiệm bản thân mình có được sau quá trình tìm việc ở châu Âu, ghi lại đây để có bạn nào cũng đang có kế hoạch như mình có thêm nguồn tham khảo.

Chọn nước muốn làm việc

Nước nào đây?: đây là câu hỏi bạn phải trả lời đầu tiền vì nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình sau này từ việc làm Visa cho tới quá trình phỏng vấn, mỗi quốc gia đều có những yêu cầu riêng, có những nước yêu cầu rất cao về mặt technical như US/Úc/Can/Sin, có những nước đóng thuế cao như Na Uy/Đan Mạch/Thuỵ Điển, thu nhập & chi phí & phúc lợi xã hội… Bản thân mình có 1 số tiêu chí để lựa chọn quốc gia như sau:

Độ ‘hot’ của từng quốc gia: sẽ tỉ lệ thuận với số lượng người tìm việc ở quốc gia đó, có nghĩa là tỉ lệ chọi và yêu cầu cũng cao hơn. Ví dụ như xác suất tìm được 1 công việc ở US khó hơn nhiều so với tìm ở Đức/Úc/Anh. Mặc dù công việc bên US nhiều hơn nhưng dân toàn thế giới đều muốn tới US, nên mình né mấy thằng như US ra.

Quy mô nền kinh tế: nền kinh tế lớn đồng nghĩa với cơ hội việc làm nhiều hơn. Ví dụ như tìm 1 việc ở UK/Đức sẽ dễ hơn các nước Bắc Âu/Hà Lan vì công việc ở UK/Đức nhiều hơn, lực lượng lao động trong nước không đủ, nên sẽ cần nhiều lao động người nước ngoài vào làm việc.

Phúc lợi cho người phụ thuộc (vợ/con): Vợ chồng mình có con nhỏ, nên 2 đứa sẽ ưu tiên những nước cho phép người phụ thuộc đi làm, con cái được đi học (có hỗ trợ của chính phủ), các chính sách về y tế cho bản thân và gia đình. Các nước châu Âu có chế độ an sinh xã hội khá tốt nên vợ chồng mình ưu tiên châu Âu.

Khả năng định cự lâu dài/thẻ xanh/quốc tịch: đa số các quốc gia đều cho phép người nước ngoài đăng ký thẻ xanh/visa vĩnh viễn và xa hơn là nhập tịch, có nước cho bạn giữ song tịch (như UK/US), 1 số nước không cho bạn giữ quốc tịch VN khi nhập tịch (ví dụ như Đức), tuỳ điều kiện/nhu cầu mà bạn có thể lựa chọn cho phù hợp.

Output của bước này bạn sẽ có được 1 danh sách các nước bạn muốn làm việc, mỗi nước sẽ có độ ưu tiên khác nhau.

Tìm job phù hợp

Mình tìm việc chủ yếu qua LinkedIn. Bạn chỉ cần tạo tài khoản trên đó rồi search những vị trí mà bạn muốn apply/quan tâm ở quốc gia tương ứng. Như trường hợp của mình thì search các vị trí Site Reliability Engineer/DevOps Engineer ở các nước US/Úc/CAN/Anh/Đức/Đan Mạch/Thuỵ Điển/Phần Lan.

Sau khi tìm được Job rồi bạn vô đọc thử Job Description (JD) xem thử job đó cần những gì, bạn đang thiếu gì để sau này mình sẽ bổ sung. Bạn không cần phải đáp ứng tất cả yêu cầu trong JD, chỉ cần đáp ứng khoảng 70-80% là có thể tự tin apply được rồi.

Tìm hiểu quy trình phỏng vấn: Quy trình phỏng vấn của các này tương đối giống nhau, cơ bản có những vòng sau:

  1. Phone call với HR: Phần này chủ yếu để chào hỏi nhau, HR nói về công ty, về những công việc liên quan tới vị trí đang tuyển. Bạn chia sẻ về kinh nghiệm làm việc, biết gì về công ty…. Phần này thường sẽ không có gì quá khó về chuyên môn. Tiếng Anh tốt sẽ có lợi cho phần này.
  2. Online Coding (Hackerank/Leetcode): Sau màn chào hỏi thường bạn sẽ nhận được 1 (hoặc 1 vài) bài test online liên quan đến các chủ đề xoay quanh vị trí ứng tuyển. Mục tiêu của vòng này là để loại bớt các bạn gà gà đi.
  3. Phone call Interview: Phần này sẽ test bạn những kỹ năng technical cơ bản liên quan tới vị trí, vòng này không quá phức tạp nhưng không đơn giản như vòng 2. Mục tiêu cũng là để loại bớt các bạn kỹ thuật chưa đủ cứng
  4. Another Phone Call/Take-Home Task (Optional): Vòng này ít nhưng cũng có 1 số cty làm để loại thêm 1 số ứng việc nữa trước khi tới vòng On-Site, vòng này có thể là Technical Interview hoặc Take Home Test (bài tập về nhà làm trong khoảng 7-10 ngày)
  5. On-site Interview: Tới vòng này công ty sẽ tài trợ tiền vé máy bay/khách sạn/ăn uống/tập gym/tắm chó … để bạn bay qua công ty 2 ngày để phỏng vấn full-day. Đợt này phỏng vấn này thường có 3-4 vòng, mỗi vòng 45-60 phút. Pass vòng này thì bạn (thường) sẽ có Offer để làm việc. Mình có đọc 1 số ca pass vòng này rồi nhưng công ty tái cấu trúc nên không tuyển nữa, fail luôn. Chắc buồn lắm 🙁

Output: Qua phần này bạn sẽ biết được mình thiếu cái gì để có thể có được Offer.

Ôn tập

Tuỳ mỗi vị trí mà yêu cầu sẽ khác nhau, cho nên cách ôn luyện cũng khác nhau. Mình sẽ chia sẻ quá trình ôn của bản thân.

Nghỉ việc công ty hiện tại: Lý do là công ty mình đang làm việc không có người nước ngoài nên cơ hội sử dụng tiếng Anh gần như là không có. Mình tìm những công ty có sử dụng tiếng Anh trong công việc, nói hoặc viết (email/chat…) đều có ích.

Đi phỏng vấn thật nhiều: Phỏng vấn nhiều giúp mình thoải mái khi phỏng vấn, cái này giúp ích rất nhiều cho On-site Interview, khi mà bạn phải phỏng vấn liên tục 3-4 tiếng thì bạn phải làm quen với việc phỏng vấn thôi. Mình chọn những công ty có phỏng vấn bằng Tiếng Anh để cải thiện khả năng nghe/nói của mình, không nghe được thì không làm được gì hết.

Đăng ký các khoá học về thuật toán/cấu trúc dữ liệu: Phần lớn thời gian làm việc của mình là làm với hệ thống, không code nhiều nên những kiến thức về coding/cấu trúc dữ liệu/thuật toán được học ở trường Đại học quên hết, mà tự học thì không có hướng đi nên mình đăng ký học 2 khoá về cấu trúc dữ liệu/giải thuật + làm bài tập về nhà để cải thiện.

Thiết kế hệ thống (System Design): Phần này mình cũng tự học trên Youtube mà thấy học xong quên nên chán quá không ôn nữa, may sao hôm phỏng vấn chém gió mà cũng đậu. Phần này ở bản chỉ có vài cái như Message Queue/Load Balancing/Caching/Clustering để tăng khả năng chịu tải/lỗi của hệ thống, cơ bản nó cũng giống nhau nên các bạn chỉ cần hiểu những khái niệm liên quan là chém được hết :))

Nộp CV và Phỏng vấn

Chuẩn bị CV: Mình có đọc qua vài bài hướng dẫn cách làm CV để thu hút HR, cụ thể thì các bạn có thể tìm trên mạng, nhưng túm váy lại có 1 số điểm:

  • Tập trung vào các project có thể cân đong đo đếm được thay vì list ra 1 danh sách cách công nghệ/tool mà bạn đã làm (hoặc nghe) qua.
  • Đừng viết quá dài, 1 trang A4 là đủ vì HR họ không có thời gian đọc hết CV của bạn đâu.
  • Tuỳ vào mỗi JD, sẽ viết lại/sắp xếp lại thứ tự sao cho những thứ mình làm liên quan tới JD lên trên đầu, để HR đọc được đầu tiên.

Nhận Mail Reject: Mình chưa thống kê cụ thể nhưng từ khi mình lên kế hoạch tìm việc nước ngoài, mình rải trên dưới 100 CV, hơn 50% là không nhận được câu trả lời, 40% có email trả lời kiểu ‘We have decided not to proceed…’. Có khoảng 10 công ty phỏng vấn mình, đi tới vòng on-site 3 công ty, chỉ có 1 công ty có offer. Mình nói để các bạn chuẩn bị tinh thần trước, trừ khi bạn có profile khủng nếu không các bạn phải tập làm quen với việc gởi CV nhưng không nhận được trả lời.

Phỏng vấn: Nộp nhiều CV nhưng mình chỉ phỏng vấn onsite 3 lần ( 2x UK, 1x Thuỵ Điển). Lần Thuỵ Điển thì khá tự tin là sẽ đậu nhưng cuối cùng nhận mail reject với lí do rất mơ hồ như hình (chán đừng hỏi):

Mỗi lần nhận email reject thì cũng có hơi buồn (lần cuối buồn nhiều hơn), nhưng vài ngày sau phải sốc lại tinh thần để apply tiếp, mọi cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng.

4 thoughts on “Tìm việc nước ngoài”

  1. Quan thanh tâm

    Hi anh quanhd, mình làm sysadmin lâu rồi, nhưng trên nền tảng windows, mình k hi vọng sẽ giỏi như anh, nhưng mình cũng mong muốn được phát triển trong nghành devops hoặc netops, tuy nhiên đang khá mù mờ và chưa biết phải chuyển đổi thế nào. Mình muốn liên hệ anh để nhờ sự tư vấn của anh cũng như xem anh là mentor cho mình để bắt đầu chuyển đổi sang chuyên nghành mới

  2. Bác cho em xin thông tin khóa học bác đăng kí luyện thuật toán/cấu trúc dữ liệu với ạ

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shopping Cart